Sở hữu hàng loạt huy chương quốc tế, Bảo Duy trở thành người ít tuổi nhất nhận danh hiệu Gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu năm 2018.

Buổi chiều cuối năm ở góc sân trường Phổ thông liên cấp Tiểu học & THCS Ngôi sao Hà Nội, Trần Bảo Duy, học sinh lớp 7A0, chạy tới ôm chầm lấy mẹ. Trò chuyện một chút về chuyện ở trường, hai mẹ con lại nhanh chóng chở nhau sang Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam – nơi Bảo Duy đang theo học piano. Đều đặn bốn năm nay, chị Trần Thị Thanh Hải vẫn bên con như vậy để giúp con học tốt ở cả hai ngôi trường yêu thích.

Trần Bảo Duy. Ảnh: Ngôi sao Hà Nội
Trần Bảo Duy. Ảnh: Ngôi sao Hà Nội

Cao hơn mẹ nhưng Duy tỏ ra khép nép khi ở trường. Nhìn dáng vẻ hiền khô và rụt rè, ít ai nghĩ rằng em là chủ nhân của nhiều huy chương vàng Toán quốc tế, sở hữu những giải thưởng lớn nhỏ ở bộ môn piano, đàn bầu hay dancesport.

Với môn Toán, chỉ năm 2018, Duy đã giành huy chương vàng ở cuộc thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế IMSO, Olympic Toán châu Á – Thái Bình Dương APMOPS, kỳ thi Tìm kiếm tài năng Toán học trẻ MYTS, Toán quốc tế SASMO, Kangaroo và Olympic Toán Titan. Trước đó, em cũng giành nhiều giải thưởng ở môn này, trong đó nổi bật là danh hiệu High Distinction (Xuất sắc) ở kỳ thi AMC năm 2017 (nằm trong top 1%).

Ở bộ môn piano, Duy từng giành giải nhất cuộc thi Tài năng nhí Hà Nội 2017 với tiết mục độc tấu và gần đây nhất là huy chương vàng piano tại Liên hoan nghệ thuật châu Á – Thái Bình Dương diễn ra hôm 19/1. Em cũng tập luyện đàn bầu tại trường và đã giành giải Á quân cuộc thi Hanoistar’s got talent năm 2018 với tiết mục độc tấu hai loại đàn bầu và piano. 

Những thành tích trên giúp em trở thành người ít tuổi nhất trong 10 người được nhận danh hiệu Gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu năm 2018.Video Player is loading.DừngHiện tại 0:05/Thời lượng 2:09Đã tải: 0%Tiến trình: 0%Bỏ tắt tiếngToàn màn hình

Bảo Duy biểu diễn piano và đàn bầu trong cuộc thi tìm kiếm tài năng ở trường.

Dù con đạt nhiều giải thưởng, chị Hải khẳng định đó không phải mục đích hàng đầu bởi gia đình chỉ muốn thông qua các kỳ thi, tính cách rụt rè của Duy được cải thiện. Khi Duy 5 tuổi, thấy con quá nhút nhát, không giao tiếp với người khác ngoài mẹ, cô giáo điểm danh con cũng không trả lời, người mẹ lo lắng. Chị đến cung văn hóa thiếu nhi thành phố để tìm hiểu các lớp học ngoại khóa nhằm giúp con nhận ra điểm mạnh của bản thân.

“Quãng thời gian đó thực sự khó khăn. Tôi hiểu mình cần làm mọi cách để thay đổi con. Tôi cho Duy học đàn, vẽ, nhảy, thậm chí cả MC. Thấy con thích đàn và nhảy, tôi mừng lắm bởi như vậy tức là tôi đã tìm ra hướng giúp con phát triển tự tin hơn”, chị Hải chia sẻ.

Đến năm lớp 3, sau khi nhận được giải nhất tại Festival Dương cầm nhỏ, được giáo viên dạy piano đánh giá cao, chị Hải quyết định cho con thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia, phần vì muốn phát triển năng khiếu của con, phần muốn giúp con bớt nhút nhát.

Trúng tuyển hệ chín năm của Nhạc viện cũng là lúc gia đình nhận thấy Duy yêu môn Toán. Từ học ngôi trường gần nhà, chị Hải cho con tham gia kỳ thi lấy học bổng của trường Ngôi sao Hà Nội. Giành học bổng, Duy học lớp 4 ở trường mới. Từ đó đến nay, Toán và đàn luôn được em ưu tiên và luyện tập mỗi ngày. 

Dù nhận ra điểm mạnh của bản thân từ lớp 4, trở thành học sinh giỏi toàn diện trong lớp, Duy vẫn không cải thiện được nhiều tính cách nhút nhát vốn có. “Con hiểu điều đó là được chứ vì sao con lại phải cho người khác biết rằng con hiểu”, Duy thường thắc mắc với mẹ như vậy. Chị Hải đã luôn giải thích cho con, giúp con thấy tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp và sự tự tin. Đó cũng là lý do chị cho Duy tham dự nhiều cuộc thi.

Do đi thi không vì giải thưởng, Duy không phải học tập vất vả trước mỗi kỳ thi, tâm lý rất thoải mái. Ngoài việc hoàn thành bài vở thầy cô giao về nhà, em chỉ dành thêm chút thời gian để đọc tài liệu trong sách tham khảo hay trên mạng. Em cũng không ép mình phải học Toán và đàn đủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày. “Có lẽ nhờ vậy mà huy chương hay đến với con”, chị Hải nói.

Với cậu bé sinh năm 2006, điều quan trọng là phải “tự học, tự đọc, tự hành”, học sao cho hiệu quả chứ không phải cứ ngồi lâu là tốt. Em luôn cố gắng học xong bài sớm để dành thời gian đọc sách. Những cuốn em thích là Thần thoại Hy LạpTúp lều bác Tom hay truyện tranh Doremon.

Trần Bảo Duy trở nên tự tin hơn so với chính mình của bảy năm về trước. Ảnh: D.T
Trần Bảo Duy trở nên tự tin hơn so với chính mình của bảy năm về trước. Ảnh: D.T

Việc cho Duy tham gia các cuộc thi, học song song hai trường và tham gia nhiều hoạt động thể thao, nghệ thuật đã tác động tích cực đến tính cách của em. Đến nay, khi Duy học lớp 7, không chỉ mẹ, giáo viên ở trường cũng nhận thấy em thay đổi rõ rệt.

Cô Phạm Bích Ngà, người sáng lập và điều hành trường Ngôi sao Hà Nội, cũng là người theo sát Duy từ ngày em mới vào trường, khẳng định dù còn rụt rè hơn các bạn, Duy đã tự tin hơn rất nhiều so với chính em.

“Duy rất khiêm tốn, lễ phép, chăm chỉ và có độ quyết tâm cao. Dù theo học hai trường, Duy vẫn đảm bảo được tiến độ học tập. Nhà trường cũng khuyến khích gia đình cho em theo học tại Học viện Âm nhạc bởi hy vọng em có thể phát triển toàn diện và thích nghi với mọi môi trường học tập”, cô Ngà nói.

Thầy giáo Trần Phương, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng, người huấn luyện Duy ở đội tuyển APMOPS và IMSO, khẳng định Duy là một trong số ít tài năng toàn diện mà thầy từng gặp khi vừa rất giỏi các môn tự nhiên lại vừa am hiểu văn học, âm nhạc và nghệ thuật.

Hiện Duy có thêm hứng thú với Tin học và những kiến thức liên quan đến lập trình. Không đặt ra nhiều dự định, Duy chỉ dám chắc rằng tiếp tục tham gia những cuộc thi về Toán, piano. Và rất có thể em sẽ rẽ theo hướng học sâu về Công nghệ thông tin trong thời gian tới.