Ngón tay cò súng hay hội chứng ngón tay bật là tình trạng ngón tay của bạn bị cong và gặp khó khăn trong việc duỗi thẳng. Hội chứng này thường gặp ở những người có đặc thù công việc hoặc sở thích liên quan đến hành động nắm chặt lặp đi lặp lại.

1. Các triệu chứng thường gặp

Các dấu hiệu và triệu chứng của ngón tay cò súng có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng, bao gồm:

  • Cứng ngón tay, đặc biệt là vào buổi sáng
  • Cảm giác có tiếng bật hoặc tiếng click khi di chuyển ngón tay
  • Đau hoặc xuất hiện vết sưng (nốt u nhỏ) trong lòng bàn tay ở phần gốc ngón tay bị ảnh hưởng
  • Khi gập, ngón tay như bị “khoá” nhưng khi duỗi sẽ đột ngột bật thẳng. Trong một số trường hợp, ngón tay bị cong không duỗi thẳng được lại và cần có người hỗ trợ
  • Bệnh ngón tay cò súng ở trẻ em thường xuất hiện ở ngón cái, còn người lớn thường bị ở ngón giữa..

Thực tế, nhiều ngón tay có thể bị ảnh hưởng cùng một lúc và cả hai bên bàn tay đều có thể mắc hội chứng ngón tay bật.

Hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế ngay lập tức nếu khớp ngón tay có cảm giác nóng và bị viêm, vì những dấu hiệu này có thể cho thấy bạn đang bị nhiễm trùng. Ngoài ra, bạn cũng cần thăm khám nếu bị cứng, tê hoặc đau ở khớp ngón tay, hoặc nếu ngón tay của bạn không thể duỗi thẳng hoặc uốn cong được như bình thường.

2. Nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh

Gân là những “sợi dây” kết nối cơ với xương. Mỗi sợi gân được bao bọc bởi một lớp vỏ bảo vệ. Nguyên nhân gây ra hội chứng ngón tay bật là do vỏ bọc gân của ngón tay bị kích thích và viêm, cản trở chuyển động trượt bình thường của gân qua vỏ bọc.

Sự kích thích kéo dài có thể tạo ra sẹo, dày lên và hình thành các nốt sần (xơ hoá) ở gân làm cản trở chuyển động của gân nhiều hơn.

3. Chẩn đoán bệnh và các phương pháp điều trị

* Chẩn đoán

Kỹ thuật y tế sẽ hỗ trợ nhiều trong chẩn đoán bệnh

Chẩn đoán hội chứng này không cần thực hiện bất kỳ xét nghiệm phức tạp nào. Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh và khám triệu chứng thực thể ở người bệnh. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh xoè và nắm bàn tay, kiểm tra các vùng bị đau, khả năng cử động cũng như bất kỳ khó khăn nào mà người bệnh gặp phải khi thao tác với bàn tay.

Bác sĩ có thể sờ vào lòng bàn tay người bệnh để kiểm tra dấu hiệu của khối u. Nếu khối u cũng di chuyển khi ngón tay cử động, rất có thể đó là tình trạng viêm bao gân, vì khối u là vùng sưng ở một phần của gân.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh chụp MRI hoặc siêu âm để xác nhận chẩn đoán hoặc loại trừ các nguyên nhân khác như viêm khớp.

* Các phương pháp điều trị

Cách chữa ngón tay cò súng sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh.

Dùng thuốc

ùng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen có thể làm giảm cơn đau. Tuy nhiên, thuốc này không có khả năng làm giảm sưng do co thắt bao gân hoặc “kẹt gân”.

Trị liệu

Các phương pháp điều trị bảo tồn không xâm lấn có thể bao gồm:

  • Nghỉ ngơi. Tránh các hoạt động đòi hỏi phải lặp đi lặp lại thao tác cầm nắm hoặc sử dụng máy móc cầm tay có rung trong thời gian dài cho đến khi các triệu chứng bệnh được cải thiện. Nếu không thể tránh hoàn toàn những hoạt động này, hãy sử dụng găng tay có phần đệm lòng bàn tay để bảo vệ tay.
  • Dùng thanh nẹp. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh đeo nẹp vào ban đêm để cố định ngón tay bị ảnh hưởng trong tối đa sáu tuần. Phương pháp này có thể giúp gân được nghỉ ngơi.
  • Các bài tập kéo giãn. Người bệnh nên tập các bài tập nhẹ nhàng để giúp duy trì khả năng vận động của ngón tay.

Phẫu thuật và các thủ thuật khác.

Nếu các triệu chứng bệnh ngón tay cò súng nghiêm trọng hoặc nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị:

  • Tiêm steroid. Tiêm thuốc steroid gần hoặc vào vỏ bọc gân có thể làm giảm viêm và cho phép gân có khả năng trượt linh động trở lại. Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất và nó thường có hiệu quả trong một năm hoặc hơn ở hầu hết những bệnh nhân được điều trị. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cần phải tiêm nhiều hơn một lần. Đối với bệnh nhân đái tháo đường, hiệu quả của tiêm steroid thường kém hơn.
  • Can thiệp tối thiểu qua da. Sau khi làm tê lòng bàn tay người bệnh, bác sĩ sẽ dùng một cây kim cứng đưa vào mô xung quanh gân bị ảnh hưởng. Di chuyển kim và ngón tay giúp phá vỡ sự co thắt đang cản trở chuyển động trơn tru của gân. Phương pháp điều trị này có thể được thực hiện khi siêu âm, vì vậy bác sĩ có thể nhìn thấy đầu kim nằm dưới da, đảm bảo bao gân mở ra mà không làm tổn thương gân hoặc các dây thần kinh lân cận.
  • Phẫu thuật. Qua một vết rạch nhỏ gần gốc ngón tay bị ảnh hưởng, bác sĩ phẫu thuật có thể cắt phần bị co thắt của vỏ bọc gân.